Hoang mang đi đòi nợ BHXH

Giữa trời nắng oi bức của mùa hè tại TP.HCM,ầntriệulaođộngbịảnhhưởngkhidoanhnghiệpnợbảohiểmxãhộ bà Nguyễn Thị Hường, 54 tuổi, tạm trú ở huyện Hóc Môn cùng chồng bà và nhiều công nhân đứng đợi ở cổng công ty TNHH sản xuất thương mại may Tuấn Vinh (đóng tại số 12 đường HT25 khu phố 2, phường Hiệp Thành, Quận 12) để đòi gần 2 tháng lương và số tiền BHXH hơn 30 triệu đồng.

Làm việc từ năm 2018, mỗi tháng đều bị trừ tiền lương để đóng BHXH. Nhưng doanh nghiệp chỉ đóng được vài tháng, còn lại từ đó đến nay bà Hường vẫn không được đóng cho một đồng BHXH nào.

Trong một lần bị bệnh, vào cấp cứu ở Bệnh viện quận 12, hai vợ chồng bà Hường mới biết thẻ BHYT của bà đã hết hạn và mấy năm nay đều không được đóng. Gia cảnh khó khăn, hai vợ chồng bà Hường đều trên dưới 60 tuổi, nhưng vẫn đi làm, góp nhặt để dành, mong muốn có lương hưu khi tuổi già sức yếu.

 “Bây giờ tôi chỉ muốn công ty chốt cho tôi sổ BHXH đi, vì bây giờ đi xin việc làm ở chỗ khác họ yêu cầu phải chốt xong bảo hiểm thì mới đóng tiếp cho mình. Người lớn tuổi nào cũng muốn như vậy, đóng BHXH đến lúc già yếu để có khoản lương hưu, cuộc sống đỡ chật vật”.

“Tôi phải đóng cho bà ấy thêm một BHYT gia đình. Mặc dù công ty không yêu cầu nhưng mình vẫn mua sơ cua, dự phòng vợ mình lúc ốm đau, bị làm sao thì còn có chi trả”- chồng bà Hường cho hay. 

Còn chị Nguyễn Thị Yến, công nhân may đang mang thai 6 tháng, nhưng không dám đi khám thai định kỳ nhiều lần. Đáng nói, khi mới vào, công ty vẫn đóng vài tháng BHXH cho công nhân, sau đó công ty đã có đến 2 lần đổi tên. Mỗi lần số nợ BHXH lớn, công ty đổi sang tên khác nên số tiền BHXH không đòi lại được.

Chị Yến cho biết, do tình hình kinh tế  khó khăn chung nên chị chấp nhận làm việc dù không có BHXH, BHYT, chờ đợi từng đồng lương ít ỏi mà vẫn bị nợ, chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

“Công ty nói đóng bảo hiểm rồi trừ tiền của mình mà cũng không đóng cho, nên sau đi khám thì cũng phải mất tiền. Có bầu thì định kỳ phải đi khám, khi không có tiền thì hai tháng đi khám một lần. Không dám đi bệnh viện lớn, chỉ vào bệnh viện nhỏ, trạm y tế để khám mới đỡ tiền, bệnh viện lớn thì thì tốn nhiều tiền hơn”.

Chậm đóng BHXH hàng chục tỉ đồng

Công Ty Cổ phần Dệt May Gia Định, ở số 10-12-14-16 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM đã chậm đóng BHXH 17 tháng, với số tiền lên tới gần 7 tỷ 727 triệu đồng. Năm ngoái, hàng trăm công nhân đã kéo nhau đến nhà máy và cả trụ sở chính để yêu cầu công ty chốt, trả sổ BHXH nhưng bất thành.

BHXH TP.HCM cho biết, từ tháng 4/2021, công ty này chậm đóng các khoản bảo hiểm của người lao động. Năm ngoái, BHXH Thành phố thanh tra đột xuất, sau đó UBND TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính, song đến nay công ty chưa khắc phục số nợ này.

Theo người lao động, hàng tháng công ty vẫn trích lương công nhân với nội dung tham gia BHXH nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm, không phát thẻ BHYT cho nhân viên. Lao động đau ốm đi khám phải tự trả tiền. Nhiều người sinh con không được nhận chế độ thai sản.

Anh Đặng Văn Luân, từng làm việc ở công ty này hơn 4 năm cho biết: “Tháng nào công ty cũng thu tiền bảo hiểm đầy đủ nhưng không nộp tiền bảo hiểm dẫn đến việc, tiền ốm đau của tôi không có đã đành nhưng vợ tôi sắp đến ngày sinh đẻ, tình hình đang nợ bảo hiểm như thế này thì chế độ bảo hiểm của tài sản của vợ tôi cũng không được giải quyết”.

Đó là 2 trong số hơn 20.039 đơn vị chậm đóng BHXH cho người lao động từ 3 tháng trở lên, trên địa bàn TP.HCM.

Trong đó, rất nhiều đơn vị chây ì, không đóng BHXH cho người lao động nhiều năm liền, với số tiền chậm đóng lên đến hàng tỷ đồng. Cá biệt, có những doanh nghiệp chậm đóng BHXH cho hàng ngàn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm, các quyền lợi liên quan đến hưu trí, ốm đau, thai sản, thất nghiệp của người lao động không được giải quyết kịp thời. Đặc biệt, lao động nữ sinh con, cuộc sống sẽ gặp nhiều vất vả hơn vì khoản trợ cấp thai sản bị chậm.

Cơ quan BHXH triển khai mọi giải pháp để thu BHXH cho người lao động, thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của doanh nghiệp trên địa bàn, tham mưu các văn bản để thu hồi tiền chậm đóng, trốn đóng...

“Sau khi thanh tra thì chúng tôi kiên quyết xử phạt về hành hành chính các đơn vị nợ và cố tình không đóng BHXH cho người lao động. Ngoài ra, sau khi xử lý vi phạm hành chính và các thủ tục liên quan nhưng doanh nghiệp đó vẫn cố tình tiếp tục vi phạm thì chúng tôi sẽ chuyển cái hồ sơ sang cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 – Bộ Luật hình sự”, ông Nguyễn Quốc Thanh nói.

Theo các chuyên gia BHXH, ngoài biến động kinh tế khiến doanh nghiệp gặp khó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH kéo dài còn do tuân thủ pháp luật của một số đơn vị chưa cao. Việc xử lý, chế tài chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp nợ BHXH chây ì, không chịu đóng.